Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Mậu Sung và Nguyễn Mậu Kiện với phong trào cách mạng huyện Thọ Xuân”
Vừa qua tại huyện ủy huyện Thọ Xuân, Hội Khoa học lịch sử (KHLS) Thanh Hóa phối hợp với Hội KHLS Việt Nam, huyện Thọ Xuân và dòng họ Nguyễn Mậu vừa tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Mậu Sung và Nguyễn Mậu Kiện với phong trào cách mạng huyện Thọ Xuân”, giai đoạn 1925-1945.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành, Liên hiệp các hội KH&KT Thanh Hóa và đông đảo nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử uy tín trong và ngoài tỉnh; thân nhân của các đồng chí Nguyễn Mậu Sung, Nguyễn Mậu Kiện. Liên quan tới nội dung hội thảo, có 12 bài viết của các nhà khoa học được tuyển chọn làm tài liệu cho hội thảo thảo luận, đánh giá.
Nguyễn Mậu là dòng họ lớn có bề dày và truyền thống cách mạng trên địa bàn huyện Thọ Xuân. Tiền nhân là Nguyễn Nhữ Lãm, đây là một trong những vị công thần với nhà Hậu Lê. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Nhữ Lãm đã theo giúp vua và lập được nhiều công lao. Sau này được vua Lê Thái Tông ban cho chữ Mậu (tươi tốt), từ đây dòng họ Nguyễn Nhữ chính thức được đổi tên thành Nguyễn Mậu cho đến ngày nay.
Hội thảo đã cung cấp các tài liệu lịch sử cách mạng nhằm nêu bật những cống hiến cho cách mạng của hai đồng chí. Đồng chí Nguyễn Mậu Sung (1902 - 1950), là người đầu tiên có công truyền bá Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vào huyện Thọ Xuân từ năm 1925; có công xây dựng cán bộ nòng cốt và tổ chức các phong trào cách mạng của huyện giai đoạn 1935-1945. Đầu năm 1946 đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch ủy ban hành chính huyện. Đồng chí hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đồng chí Nguyễn Mậu Kiện (1914 - 2008), là chiến sĩ cách mạng trung kiên, nhà hoạt động quân sự, quản lý tài năng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, đồng chí Kiện giữ nhiều cương vị quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, sau đó làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tham luận của các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương đã tập trung làm sáng tỏ về quê hương, gia đình, dòng họ, thời đại và những phẩm chất cá nhân tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách, con người, con đường, chí hướng cứu nước của hai đồng chí, đồng thời khẳng định vai trò, những đóng góp quan trọng của hai đồng chí đối với Đảng và dân tộc, làm rạng danh quê hương và gia đình.
Hội thảo cũng là dịp bày tỏ sự tri ân của Đảng và nhân dân huyện Thọ Xuân nói riêng, nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung đối với hai nhà cách mạng tiêu biểu và tài năng của Đảng, đồng thời thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu và chủ chốt của Đảng và Nhà nước, phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần vào việc xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Gia Hiển